Người Sa Đéc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Sa Đéc Xưa và Nay... Sa Đéc của Bạn Bè và Thân Hữu
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Nguồn Gốc Hướng Đạo Quân Đội VNCH.

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 353
Join date : 14/02/2017

Nguồn Gốc Hướng Đạo Quân Đội VNCH. Empty
Bài gửiTiêu đề: Nguồn Gốc Hướng Đạo Quân Đội VNCH.   Nguồn Gốc Hướng Đạo Quân Đội VNCH. I_icon_minitimeWed Dec 06, 2017 10:08 pm

Hướng Đạo Quân Đội VNCH
Nguyễn Huy Hùng

Nguồn Gốc Hướng Đạo Quân Đội VNCH. Huong_10
Trung Tướng Trần Văn Trung (phải) và Đại Tá Nguyễn Huy Hùng

(Đôi lời phi lộ : Bài này được viết thể theo lời yêu cầu của nhiều chiến hữu cựu Huynh trưởng Hướng Đạo Quân Đội. Vì người viết tuổi già đã trên xa mức “Thất Thập Cổ Lai Hy”, hồi sau 30-4-1975 lại còn phải chịu đựng thời gian dài 13 năm tù đầy lao tâm khổ não đói khát bệnh hoạn trong các trại tập trung của Cộng sản VN, thêm nữa các sự việc đã xẩy ra trên 30 năm rồi, nên trí nhớ cũng mòn mỏi, có thể thiếu sót hoặc không chính xác trăm phần trăm, do đó người viết xin Bạn đọc còn trí nhớ tốt minh mẫn biết rõ hơn vui lòng bổ túc giùm, chân thành đa tạ. Voi Hoạt Bát.)

1.- NGUỒN GỐC PHÁT SINH Ý NIỆM THÀNH LẬP THIẾU NHI QUÂN ĐỘI.

Từ sau vụ 1 tháng 11 năm 1963, nhóm Tướng Tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa và giết 2 anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rồi hủy bỏ không tiếp tục thực hiện Chính sách Ấp Chiến Lược nữa, nên chiến tranh xâm lược vùng Đông Nam Á Châu (đặc biệt tại Bán đảo Đông Dương) do Khối Cộng sản Quốc tế Liên Sô Nga và Trung Cộng yểm trợ, thúc đẩy Cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định Genève chia đôi Việt Nam năm 1954, đưa quân lén lút xâm nhập miền Nam Việt Nam từ lãnh thổ các nước Cộng sản Lào và Căm Bốt, để phát động cuộc chiến phá hoại bằng quân chính quy Bắc Việt chiếm đất giành dân cho nhóm Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (con bù nhìn do Cộng sản Bắc Việt nặn ra) ngày một khốc liệt hơn trên toàn miền Nam Việt Nam. Các đơn vị QLVNCH phải bận bịu hành quân ngày đêm thường xuyên nơi tiền tuyến, tại các nơi thôn quê rừng sâu hẻo lánh cũng như quanh các đô thị, để bảo vệ an ninh cho quảng đại quần chúng được sống yên ổn xây dựng phát triển nền kinh tế thị trường theo mô thức Tự do Tư bản đang bắt đầu đi vào thời kỳ cất cánh.

Tình hình nguy kịch này, đã khiến Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ phải cầu cứu Đồng Minh Hoa Kỳ yểm trợ mạnh mẽ hơn cả về kinh tế lẫn quân sự. Vì thế một số Đại đơn vị Hải Lục Không quân Hoa Kỳ, và Bộ binh của Đại Hàn, Thái lan, Úc Đại Lợi, chuyên viên kỹ thuật của Đài Loan, Phi Luật Tân… được đổ vào Việt Nam tiếp tay với QLVNCH chống Cộng sản Bắc Việt xâm lăng, bảo toàn lãnh thổ miền Nam từ Vĩ tuyến 17 (Sông Bến Hải, Quảng Trị) xuống đến Mũi Cà Mau và các Hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Côn Sơn trong vùng Biển Đông (Thái Bình Dương) và Vịnh Thái Lan.

Nhiều Căn cứ quân sự ngoại quốc được thành lập ngay trong giữa và ven các đô thị lớn trọng yếu, giúp cho sinh hoạt thương mại phát triển bộc phát, nhưng vì nếp sống văn minh kỹ thuật tiên tiến và văn hoá tạp chủng của quân sĩ Đồng Minh đem vào, mức cung cầu không cân bằng khiến vật giá leo thang phi mã, nên đồng lương tối thiểu của quân sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hoà không thể cung ứng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Nhiều tệ đoan xã hội bắt đầu phát sinh làm xáo trộn gây tha hoá nếp sống mộc mạc yên bình xưa nay của quảng đại quần chúng.

Để giúp cho quân sĩ yên tâm thi hành nhiệm vụ của mình, Tổng cục Chiến tranh Chính trị (CTCT) đã đề nghị Bộ Tổng Tham mưu (TTM) thành lập Cục Quân Tiếp Vụ đặt thuộc quyền Tổng cục Tiếp Vận, mở những quầy hàng Quân Tiếp Vụ bán các loại thực phẩm khô và tươi cần yếu với giá rẻ cho gia đình quân sĩ (như Commissary của Quân đội Hoa Kỳ). Đồng thời xin Bộ Giáo dục và Thanh niên cho phép thành lập các trường Trung Tiểu học Văn Hóa Quân Đội (VHQĐ) theo quy chế công lập, để cho con em Quân sĩ ghi danh theo học không phải thi tuyển cũng như không phải đóng học phí như các trường tư thục. Các trường VHQĐ này đặt thuộc trách nhiệm quản trị điều hành của Cục Xã Hội thuộc Tổng cục CTCT. Cán bộ Chiến tranh Chính trị tại mọi cấp đơn vị được chỉ định phối hợp cùng các giáo viên tổ chức đoàn ngũ hoá học sinh thành các đội Thiếu Nhi, sinh hoạt rèn luyện Trí, Đức, Thể lực, và hoạt động thường xuyên giúp ích gia đình và xã hội ngoài giờ ở học đường, theo phương pháp giáo dục của tổ chức Hướng Đạo Sinh Quốc tế, với danh xưng là các đoàn Thiếu Nhi Quân Đội.

Mùa hè năm 1969, một Trại Họp Bạn đầu tiên được tổ chức tại Vườn hoa Tao Đàn nằm phía sau Dinh Độc Lập, giữa 2 con đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Trãi, để trình diện Tổng Thống Việt nam Cộng Hòa Nguyễn văn Thiệu các đoàn Thiếu Nhi Quân Đội đầu tiên (mặc đồng phục và khăn quàng giống như Hướng Đạo Việt Nam) mới thành lập xong tại các Trại gia binh thuộc các đơn vị trong vùng Thủ đô Saigon, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa.

Qua năm 1970, Hội Hướng Đạo Việt Nam (HĐVN) được cơ quan đặc trách Hướng Đạo Sinh Quốc Tế vùng Đông Nam Á ủy thác trách nhiệm tổ chức Trại Họp Bạn Hướng Đạo Sinh Quốc Tế tại vùng Suối Tiên Thủ Đức, lấy tên là TRẠI GIỮ VỮNG, Đoàn Thiếu Nhi Quân đội cũng đưa một số đoàn viên về dựng lều tham dự cuộc chơi. Tổng Thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn văn Thiệu được mời đến thăm trại. Hình như trại được tổ chức vào mùa hè.

Vào dịp Noel năm 1969, Khối CTCT thuộc Bộ Chỉ huy Tổng Hành Dinh Bộ TTM/ QLVNCH, do Thiếu Tá Phan Cảnh Tuân làm Trưởng Khối, đã đến Võ đường Trần Hưng Đạo, vận động các Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ đang theo học các khoá Võ thuật Nhu Đạo và Thái Cực Đạo ngoài giờ làm việc, hy sinh giờ riêng tham gia trợ giúp Khối CTCT thành lập Liên đoàn Thiếu Nhi Quân Đội cho con em quân sĩ cư trú trong trại gia binh Bộ TTM. Qua câu chuyện hàn huyên, Thiếu Tá Tuân biết được Đại Tá Nguyễn Huy Hùng (một võ sinh) thuở Thiếu thời đã từng sinh hoạt lâu năm trong tổ chức Hướng Đạo Sinh Đông Dương từ trước 1945, nên đã mời tham gia đảm trách chức vị Liên Đoàn Trưởng giùm. Nhờ thế, các Sĩ quan, Hạ sĩ quan, và Binh sĩ tin tưởng cho con em tham gia các đoàn Ấu, Thiếu và Kha sinh rất đông. Một Trại Họp Bạn ra mắt Liên Đoàn Thiếu Nhi Quân Đội Trần Hưng Đạo vào dịp Tết Canh Tuất 1970, đã được tổ chức ngay tại khu công viên quanh Câu Lạc Bộ Sĩ quan Trại Trần Hưng Đạo (Bộ TTM), Tướng Tham mưu trưởng Liên quân và Tướng Trần văn Trung Tổng cục trưởng Chiến tranh Chính trị đã cùng đến chủ tọa Lễ Khai Mạc Trại rất là vui vẻ.

Người đầu tiên trách nhiệm về Kế hoạch chương trình tổ chức và hướng dẫn điều hành các đoàn Thiếu Nhi Quân Đội, là Thiếu Tá Tuyên Thùy thuộc Cục Xã Hội của Tổng Cục CTCT, với sự phụ tá của Trung úy Liễu (họa sĩ Trịnh Cung) cùng mấy Hạ sĩ quan và Binh sĩ thuộc Cục Xã Hội. Mặc dù đang tại ngũ, nhưng ngoài giờ làm việc tại đơn vị, những người này vẫn thường xuyên sinh hoạt trong các đoàn Kha, Thiếu, Ấu sinh của Hội Hướng Đạo Việt Nam (HĐVN) với cương vị là Huynh trưởng. Nhờ thế, họ được sự trợ giúp của các Trưởng của HĐVN tiếp tay hoàn thành nhiệm vụ một cách tận tình.

Năm 1970, Cục Xã Hội được Tổng CTCT cấp ngân khoản để tổ chức một Trại huấn luyện khoảng 400 Huynh trưởng cấp Căn Bản đầu tiên tại sân vận động Trần Hưng Đạo bên cạnh doanh trại của Bộ TTM, gần phi trường Quốc tế Tân Sơn Nhất (thời gian một tuần lễ) vào khoảng tháng 11. Tướng Trần văn Trung Tổng cục trưởng CTCT (thuở Thiếu thời cũng từng là một Hướng Đạo Sinh trong Nhà Dòng) đã mặc đồng phục Trưởng Hướng Đạo đến chủ tọa Lễ Bế Mạc Trại, để trao khăn quàng Huynh trưởng cho các Trại sinh; và một Trại Họp Bạn Đội Trưởng Thiếu Nhi Quân Đội đầu tiên tại khu rừng Chí Linh nằm trong lãnh thổ Trung Tâm huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn tại Vũng Tầu (thời gian một tuần lễ) vào dịp nghỉ lễ Giáng Sinh 1970. Số Đội Trưởng do các Huynh trưởng tại các địa phương hướng dẫn về tham dự Trại được khoảng 2,000 em. Trại Họp Bạn Đội Trưởng Thiếu Nhi Quân Đội đầu tiên này, đã được Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đích thân xuống thăm viếng quan sát tận mắt kết quả tôi luyện thực hiện các công trình kỹ thuật Hướng đạo của các Trại sinh và chủ tọa Lễ Bế Mạc. Các vị khách tháp tùng Tổng Thống Thiệu gồm có : ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên, ông Bộ trưởng Dân Vận, Tướng Tổng Tham Mưu trưởng, Tướng Tư lệnh Quân đoàn III, các Chỉ huy trưởng Binh chủng Nha Sở Trung ương, và đặc biệt có một vị khách quý là Bác sĩ Thơ Hội trưởng Hội Hướng Đạo Việt Nam.

Theo dự trù thì Thiếu Tá Tuyên Thùy sẽ là Trại Trưởng của 2 Trại này. Nhưng vào khoảng tháng 10, Đại Tá Nguyễn-Huy Hùng tốt nghiệp Khoá 3 Cao Đẳng Quốc Phòng Việt Nam được bổ nhiệm về làm Phụ tá Tổng cục trưởng Chiến tranh Chính trị đặc trách Thiếu Nhi Quân Đội, nên được giao trách nhiệm làm Trại Trưởng, và Thiếu Tá Tuyên Thùy làm Trại phó Tiếp vận, Trung úy Liễu làm Trại phó Sinh hoạt. Trước ngày khai mạc Trại Họp Bạn Đội Trưởng Thiếu Nhi Quân Đội tại Vũng Tầu, Đại Tá Hùng đã biên soạn cuốn CẨM NANG ĐỘI TRƯỞNG, và Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng cục CTCT đã in ra 5,000 bản để phát cho Huynh Trưởng và Đội Trưởng về dự Trại, sau đó phổ biến cho Huynh Trưởng trên toàn quốc lưu dụng.

2.- HỘI HƯỚNG ĐẠO QUÂN ĐỘI RA ĐỜI.

Trong buổi tiếp tân khoản đãi Quan khách giải lao sau khi thăm Trại Họp Bạn Đội Trưởng Thiếu Nhi Quân Đội tại Vũng tầu vào dịp Giáng Sinh 1970, Trại Trưởng Nguyễn-Huy Hùng đã trình với Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, trước đông đủ quan khách, đề nghị thành lập Hội Hướng Đạo Quân Đội giống như bên Cảnh sát Quốc gia cũng có Hội Hướng Đạo Cảnh Sát cho con em gia đình Cảnh Sát, thay vì dùng danh xưng Thiếu Nhi Quân Đội. Tổng Thống Thiệu chấp nhận lời đề nghị, và chỉ thị Tổng Cục trưởng Chiến tranh Chính trị tiếp xúc với Bộ Giáo dục và Thanh niên làm các thủ tục theo luật định để xin cấp giấy phép hoạt động như các Hội đoàn thanh niên tư nhân khác.

Sau Trại Họp Bạn Đội Trưởng, Phòng Thiếu Nhi Quân Đội được tách ra khỏi Cục Xã Hội để sát nhập vào Khối Tổ chức của Tổng Cục CTCT, và trực thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Đại Tá Phụ Tá Tổng Cục trưởng đặc trách Hướng Đạo Quân Đội. Cơ sở mới đặt tại một căn nhà riêng trong doanh trại Cục Tâm Lý Chiến gần Thảo Cầm viên Saigon. Thiếu Tá Tuyên Thùy xin chuyển đi đảm nhận công tác khác, Trung úy Liễu trở thành Trưởng Phòng Hướng Đạo Quân Đội.

Mọi thủ tục xin thành lập Hội Hướng Đạo Quân Đội được hoàn tất trong thời gian kỷ lục, và không đầy một tháng sau giấy phép đã được Bộ Giáo dục và Thanh niên cấp phát và đăng trên Công báo của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Trung Tướng Trần văn Trung là Hội trưởng, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu là Hội trưởng Danh Dự, Đại Tá Nguyễn-Huy Hùng là Phó Hội trưởng kiêm Trại Trưởng, Trung úy Liễu là Tổng Uỷ Viên. Sau khi có giấy phép, Tổng Cục CTCT đã trình Bộ TTM ban hành một Huấn thị Căn bản về tổ chức điều hành Hội Hướng Đạo Quân Đội trong trại gia binh của tất cả các đẳng cấp đơn vị Chiến thuật và Diện địa trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Các tài liệu về tổ chức, điều hành, kỹ thuật, huấn luyện Huynh trưởng, Đội trưởng của Hướng Đạo Hoa Kỳ… đã được một Đại Tá Hoa Kỳ bạn của Đại Tá Hùng tại Bộ TTM (trước kia cũng là một Hướng Đạo Sinh Hoa Kỳ) mua tặng để làm căn bản mô phỏng soạn thảo Huấn Thị Điều Hành Căn Bản cho Hội Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Tổ chức điều hành của Hội Hướng Đạo Quân Đội (HĐQĐ) chỉ khác với Hội Hướng Đạo Việt Nam (HĐVN) ở mấy điểm:
1.- HĐQĐ có văn phòng Đại diện Miền tại mỗi Vùng Chiến Thuật (Sĩ quan Tham mưu phó CTCT làm Trưởng Miền), rồi mới xuống Châu, Liên đoàn, và Đoàn.
2.- Ranh giới các Châu HĐQĐ được quy định dựa theo cấp Đại Đơn vị Quân đội chớ không dựa theo khu vực địa dư như bên HĐVN.
3.- Các Liên đoàn HĐQĐ gồm nhiều Đoàn Ấu, Thiếu, Kha, chớ không như bên HĐVN mỗi Liên đoàn chỉ có 1 đoàn Ấu, 1 đoàn Thiếu, và 1 đoàn Kha.
4.- Liên đoàn HĐQĐ gồm luôn cả các đoàn Nam và đoàn Nữ (dĩ nhiên các Đoàn Nữ đều do các Trưởng Nữ hướng dẫn) cùng sinh hoạt dưới sự điều hành chung của một Ban quản trị Liên đoàn.
5.- Huynh trưởng Nam và Nữ được theo học chung trong cùng một Trại huấn luyện, và đẳng cấp Huynh trưởng HĐQĐ được chia ra : Căn bản (mang khăn quàng mầu xám, viền mầu ngành), Trung cấp (mang khăn quàng như Trưởng Căn bản, có thêm huy hiệu Trung cấp gắn nơi góc khăn quàng, huy hiệu Trung cấp là một nút dệt thêu trên miếng vải mầu ngành hình chữ nhật cỡ 2x4 phân), và Cao cấp (mang khăn quàng như Trưởng Trung cấp, nhưng viền quanh khăn quàng thêu xen kẽ 4 mầu Hướng đạo: vàng Ấu, xanh lá cây Thiếu, nâu Kha, và đỏ Tráng), chớ không gọi là Căn bản, Bạch mã, Bằng Rừng (mang dây vòng qua cổ với 2 mẩu gỗ nhỏ) như bên HĐVN.

Trong năm 1971, Hội HĐQĐ tổ chức được 4 Trại đào luyện Huynh trưởng Căn bản tại Đà nẵng, Pleiku, Cần Thơ và Vũng tầu. Các năm 1972, 1973 và 1974, mỗi năm tổ chức được 2 Trại huấn luyện Huynh trưởng (1 Căn bản và 1 Trung cấp) tại Căn Cứ Long Bình Biên Hoà. Đáp ứng lời mời của Hội HĐQĐ, các Trưởng trong các Toán Huấn luyện của Hội HĐVN đã đến giúp cho các giờ huấn luyện trong các Trại huấn luyện Huynh trưởng HĐQĐ với tư cách cá nhân. Phần lớn các Trưởng Cao Cấp hoạt động trong các Đoàn HĐQĐ đều là Trưởng có Bằng Rừng của Hội HĐVN. Tính đến cuối năm 1974, tổng số Trưởng hoạt động trong Hội HĐQĐ ước lượng có khoảng 4,000 người, và tổng số đoàn sinh lên tới 120,000 em cả Nam lẫn Nữ.

Cuối năm 1971, Đại Tá Hùng được Tổng cục trưởng CTCT giao phó đảm trách thêm chức vụ Chủ Nhiệm Nhật Báo Tiền Tuyến của Quân đội, nên Thiếu Tá Phan Cảnh Tuân được điều động rời chức vụ Trưởng Khối CTCT Tổng Hành Dinh Bộ TTM về tăng cường cho văn phòng Phụ tá Tổng cục trưởng đặc trách công tác HĐQĐ. Đến giữa năm 1974, Trung úy Liễu được lệnh biệt phái sang phục vụ bên Bộ Dân Vận, nên Phòng HĐQĐ được giao cho Thiếu tá Tuân trách nhiệm điều hành cho đến 30-4-1975.

3.- HUY HIỆU HƯỚNG ĐẠO QUÂN ĐỘI.

Nền màu Xanh Lơ xậm, hoa Bách Hợp màu trắng, giữa hoa Bách Hợp có hình Phượng Hoàng vàng mang khiên Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa (lấy từ huy hiệu Quân Lực VNCH ra). Huy hiệu đeo ở nơi túi áo trái của bộ đồng phục. Các điều khác biệt với HĐVN là ngay khi nhập Đoàn, Đoàn sinh được mang khăn quàng của đơn vị ngay chớ không phải chờ học đủ chương trình rồi mới làm Lễ Tuyên Hứa để được mang. Các biểu hiệu Đội Trưởng Nhất (3 vạch), Đội Trưởng (2 vạch) và Đội Phó (1 vạch) được gắn trên 2 cầu vai áo chớ không gắn trên túi áo bên ngực trái của bộ đồng phục như HĐVN.

4.- Đôi giòng về VOI HOẠT BÁT.

VOI HOẠT BÁT là tên Rừng của Hướng Đạo Sinh Nguyễn Huy Hùng, do Trưởng Nguyễn Duy Thưởng Trưởng Đoàn Mẫu Sơn thuộc Châu Lạng Sơn Hội Hướng Đạo Sinh Đông Dương (Bắc Phần Việt Nam) đặt cho sau cuộc săn đêm trong dịp cả Đoàn tham dự Trại Hè năm 1942 tại đỉnh núi Mẫu Sơn Quận Lộc Bình, nơi có một trong các cột mốc quy định ranh giới Việt Nam Trung Hoa.

Nguyễn-Huy Hùng gia nhập Bầy Sói Tam Thanh vào cuối năm 1940, do Trưởng Hoàng Trọng Cầu (một giáo viên bị nghi vấn tham gia các hoạt động chính trị theo Kỳ Ngoại Hầu Cường Để chống Pháp) bị chuyển từ Hà Nội lên miền thượng du Lạng Sơn phục vụ thời gian 2 năm. Sau 3 tháng sinh hoạt với Bầy, Sói con Hùng được dự Lễ Tuyên Hứa nhận khăn quàng Sói Con và được Bầy đón mừng bằng Tiếng Rống Lớn. Ngày Saint Patrick (17 March 1941) Sói Con Hùng lại được Bầy tiễn lên Đoàn Mẫu Sơn bằng Tiếng Rống Lớn lần thứ hai ngay bên động Tam Thanh (nơi có Hòn vọng Phu Nàng Tô Thị), thật là những kỷ niệm khó quên.

Lên Đoàn Mẫu Sơn, tân Thiếu sinh Hùng được bổ sung vào Đội Voi. Sau 3 tháng sốt sắng tu luyện học hành đầy đủ chương trình, được dự Lễ Tuyên Hứa trao khăn quàng Hướng Đạo Sinh. Rồi nhờ tận tụy hăng say trong mọi sinh hoạt của Đội, nên 3 tháng sau được các Đội sinh cùng Đội bàn thảo và đồng thuận trình xin Đoàn trưởng giao phó cho trách nhiệm Đội phó (mang 1 băng vải trắng dài nơi túi áo trái của đồng phục). Sau đó, Đội Trưởng của Đội nghỉ sinh hoạt vì theo gia đình di chuyển khỏi Thị xã Lạng Sơn, nên Đội phó Hùng lại được đoàn sinh trong Đội bầu và xin Đoàn trưởng cử làm Đội Trưởng. Trong dịp tham dự Trại Hè 1942, Đội Trưởng Hùng đã được Đoàn tổ chức cuộc săn đêm theo truyền thống Hướng Đạo và đặt cho Tên Rừng là VOI HOẠT BÁT.

Nhờ kết quả Đoàn Mẫu Sơn tham gia các hoạt động giúp ích xã hội rất hăng say hữu hiệu, được quảng đại quần chúng mến thương hỗ trợ, nên nhiều gia đình trung lưu và thượng lưu trong thị xã bắt đầu xin cho con em gia nhập Đoàn rất đông. Do đó, Trưởng Ernest Rétif một người Việt lai Pháp đang phụ trách Châu Hướng Đạo Sinh Đông Dương tại Lạng Sơn, phải quyết định lập thêm Bầy Sói Nhị Thanh và Đoàn Thiếu Chi Lăng.

Voi Hoạt Bát được đưa qua Đoàn Chi Lăng làm Đội Trưởng Đội Hươu kiêm Đội Trưởng Nhất, phụ giúp Đoàn Trưởng Trần Trung Du xây dựng Đoàn Chi Lăng, cho đến tháng 9 năm 1945 mới ngưng hoạt động, vì Hội Hướng Đạo Sinh Đông Dương không còn ai điều hành nữa.

Ủy ban Nhân dân Cứu quốc do Việt Minh điều hành quản trị thị xã Lạng Sơn, có họp tất cả các Hướng Đạo Sinh cũ lại để yêu cầu tiếp tục hoạt động theo danh xưng mới là Đoàn Thanh Thiếu Nhi Cứu Quốc, và mọi đoàn sinh hiện diện đều đề nghị Voi Hoạt Bát đứng ra trách nhiệm điều hành, nhưng vì danh xưng và nhiệm vụ dự kiến không phù hợp với chủ trương căn bản của Hướng Đạo, nên Voi Hoạt bát đã từ chối, cũng vì thế mà sau này gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày tại nơi cư ngụ.

Vào Thập niên 1970, Voi Hạt Bát lại có dịp may gặp lại Trưởng Trần Trung Du tại Saigon. Thời gian này Trưởng Du cũng đang hoạt động trong Hội HĐVN, nên Trưởng Du đã cố vấn cũng như mời gọi các Trưởng HĐVN khác tiếp tay hỗ trợ cho Voi Hoạt Bát rất nhiều trong việc tổ chức điều hành Hội Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Hy vọng ít điều tổng lược ghi lại trên đây, đáp ứng được phần nào những gì các Chiến hữu muốn biết về Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trước 30-4-1975, và lai lịch sinh hoạt Hướng Đạo của Voi Hoạt Bát.

Little Saigon, Orange County, California.

Mùa Xuân Bính Tuất 2006.
VOI HOẠT BÁT.
Nguyễn Huy Hùng
Về Đầu Trang Go down
https://nguoisadec.forumvi.com
 
Nguồn Gốc Hướng Đạo Quân Đội VNCH.
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Cơ quan di trú Đức sa thải nhân viên gốc Việt thân cộng liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh
» Bạn là ai không quan trọng, quan trọng bạn ở bên cạnh ai…
» Thị Hương photo 01
»  Thơ sưu tầm - Hồ Xuân Hương
» Ngọc Hương photo 02

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Người Sa Đéc :: Thời Sự - Tin Tức :: Phóng Sự-
Chuyển đến