Người Sa Đéc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Sa Đéc Xưa và Nay... Sa Đéc của Bạn Bè và Thân Hữu
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 2)

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 353
Join date : 14/02/2017

Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 2) Empty
Bài gửiTiêu đề: Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 2)   Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 2) I_icon_minitimeFri Aug 18, 2017 1:48 am

Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 2)
Phạm Phong Dinh

(Tiếp theo)

Từ đó, hai thầy trò chàng ban ngày ra những cái xóm bên xa lộ ca hát ăn xin, ban đêm bò về ngủ dưới chân bức tượng. Được một thời gian, người ta cho xe đến chở bức tượng Tiếc Thương đi đâu chẳng biết nữa. Hai thầy trò lết vào tận bên trong nhà quàn xác nhưng thấy trống trải quá không thể ở lâu dài. Một hôm có một chiếc xe bò chở củi đi qua Thủ Đức, hai thầy trò xin quá giang. Chiếc xe bò cọc cạch lăn bánh xuyên qua cánh rừng cao su dưới chân ngọn đồi có bãi tha ma.

Nhìn thấy ngôi cổ mộ, chàng đã xin cho xuống. Chàng biết, ở nơi âm u hẻo lánh đến ghê rợn này, thì không còn ai mò vào để xua đuổi bọn chàng đi đâu nữa. Hàng ngày, hai người phế nhân vác chiếc đàn cũ, với những sợi dây đàn làm bằng những sợi dây cước thắng xe đạp, ra ngồi ở ngã ba đường mòn xin quá dang ra xa lộ Đại Hàn hay xa lộ Biên Hòa ca hát nuôi thân. Người phế binh còn nhớ có một lần chàng cúi đầu cám ơn gọi là ân nhân một thiếu phụ mặc áo bà ba đen đã hào phóng cho chàng tờ giấy năm đồng, chàng thấy mắt nàng đỏ hoe:

“Đừng cảm ơn tôi, chúng tôi phải cảm ơn mấy anh mới đúng, mấy anh mới chính là ân nhân của chúng tôi”. Uống gần cạn chai rượu đế,

Hậu bắt đầu nhụ nhựa:

- Ông Tính, chừng nào ông mới về quê của ông? Tính gục đầu xuống nhìn cái đầu gối cụt của mình buồn rầu thở dài: - Tao đâu có quê, tao mồ côi cha từ nhỏ, ba tao đi lính đánh trận chết, má tao xin cho tao vô học trường Thiếu Sinh Quân, rồi bà cũng bịnh mất bỏ tao một mình trên đời. Nửa chai rượu đã ngấm sâu vào những mạch máu, một nỗi buồn da diết xốn xang dậy lên trong lòng chàng. Trong ký ức đã quá mờ mịt, Tính chỉ còn hình dung được phảng phất khuôn mặt rắn rỏi đỏ au như màu bức tượng đồng của cha chàng, và đôi mắt đẫm đầy lệ của mẹ khi bà xoa đầu giã từ Tính trong ngày chàng nhập học: - Tính, con ráng học giỏi nha con, cho ba con được vui lòng. Lâu lâu má lên thăm con. Hơi rượu từ bụng cuộn lên làm Tính ụa một cái dài, nhưng chàng biết nó thay cho tiếng nấc của mình. Chàng nhớ cha, nhớ mẹ quá đi. Làm gì còn có ngày mẹ lên thăm chú bé con tên Tính nữa. Khổ đau vì nhớ chồng, nghèo đói và cô đơn đã nhanh chóng làm cạn kiệt những mạch sống vốn đã lụn tàn từ lâu trong cơ thể, bà nhuốm bệnh nặng và ra đi. Tính ngước đôi mắt đã đỏ khé và lờ đờ lên nhìn Hậu: - Còn mày, sao không về với vợ con, ở đây làm gì, muốn sống với ma à? Hậu đưa tay quẹt nước mắt đã ngân ngấn ở khóe: - Ông coi thân thể tui... Rượu thường hay khiến cho con người dễ sầu bi, đột nhiên Hậu ôm chầm lấy Tính khóc lớn, như một đứa trẻ bị mẹ đánh đòn oan:


- Ông Tính ơi, tui nhớ má con tụi nó quá, hu hu... Mà thôi đi, hức... hức..., để cho má nó lấy chồng khác làm ăn, chớ tui còn nước non gì nữa, hai cái giò cụt như vầy chỉ... hức..., làm khổ má nó, hu... hu... Cơn tủi nhục đớn đau chất chứa từ mười mấy năm qua theo hơi rượu vỡ bùng nên thành những tiếng khóc nỉ non ai oán.

Tính không nhịn được, chàng cũng khóc mùi mẫn. Ở giữa đất trời hoang vắng, trên đỉnh đồi với hàng trăm nấm mồ hoang, tiếng khóc của hai con người đau khổ đó rền rền như tiếng ma kêu hú vọng lên từ đáy huyệt. Nước mắt nước mũi đầy mặt, hai thầy trò ôm nhau đổ gục xuống nền xi măng. Chẳng mấy chốc mà hồn phách của hai người phế nhân đã thăng lên trong cõi đêm trên cánh rừng cao su đã ngả sang màu đen đặc. Lũ muỗi rừng khi bóng đêm buông xuống, chúng vo ve kéo nhau đến tổ chức một bữa tiệc máu linh đình trên hai cái xác thân ốm đói còm cõi chỉ còn da bọc xương... Đến nửa đêm, Tính đang mơ màng, thì bỗng nhiên một bàn tay nắm lấy vai chàng lay mạnh. Tính giật mình mở mắt xoay đầu ngơ ngác nhìn quanh để trông thấy đôi mắt của Hậu trong bóng đêm đang ánh lên một thứ tia sáng kỳ lạ. Tính buột miệng toan hỏi, thì Hậu đã áp sát miệng vào vành tai Tính run run nói thật khẽ : - Ông thầy... suỵt đừng nói lớn, ông coi kìa, ngoài kia... Tính nhìn theo hướng tay của Hậu. Phía bên kia đỉnh đồi, chiếc mặt trăng hình lưỡi liềm đang treo lơ lửng trên đầu những ngọn cây cao su, đang rải chùm sáng nhạt mềm mại như một dải tơ vàng. Ngọn đồi đang chìm trong một đám sương mù màu trắng lãng đãng như những sợi khói mỏng. Một cơn gió nhẹ dìu dặt thổi lên đỉnh đồi đùa vào những đám mây làm chúng tan loãng nên thành những hình thù quái dị. Những nấm mồ thấp thoáng ẩn hiện sau làn sương với những tấm bia đá đen sẫm hình cánh cung, thoạt trông như những cái bóng đen đang lom khom trồi lên từ đáy huyệt. Có tiếng rúc rù rù của một con cú đêm, hợp cùng với bọn dun dế đang rỉ rả khúc nhạc đêm trường. Chỉ có thế. Tính chẳng nghĩ rằng những linh ảnh quen thuộc hằng đêm đó chứa đựng những mối hăm dọa nào để Hậu phải lo sợ đến thế. Nhưng... Tính đã kịp nhận ra một cái gì đó rất giống như một cái bóng người, hay là bóng ma cũng không biết chừng, chiếc áo trắng của nó phủ tới tận gót chân đang phấp phới phiêu phưởng lướt trên đầu những ngọn cỏ. Trống ngực của Tính đánh thình thình. Cái bóng trắng đó chập chờn pha trộn với khối sương mù dưới ánh trăng tờ mờ, khi hiện ra khi biến mất. Tính chỉ có thể phân biệt được cái ảo hình ấy trong màn khói trắng từ mái tóc đen dài thậm thượt xõa xuống tận đầu gối. Những cơn gió thỉnh thoảng cuốn mái tóc ấy ngược về phía sau như một dải băng đen ma quái, để lộ ra một khuôn mặt trắng toát, mà Tính không thể nhìn rõ được trong một khoảng cách mấy mươi thước, dưới bóng đêm đen mờ mịt. Tính cảm thấy mấy ngón tay của Hậu bấu mạnh vào da thịt chàng, hắn thì thào đứt quãng: - Ma... ông thầy! Bất chợt Hậu nép sát vào Tính, mà chàng có thể cảm nhận được những cơ thịt của anh ta đang run lên dưới làn vải áo. Tính rùng mình. Một luồng gai lạnh chạy dọc theo xương sống, những mạch máu trong cơ thể chàng có lẽ đã đông cứng lại thành những phiến nước đá. Tính ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, toàn bộ sức nặng thân thể chàng tựa trên cái khuỷu tay chống. Tính nhìn trừng trừng vào màn sương. Trời ơi, cái bóng trắng dị kỳ đó dường như nó đang xê dịch về hướng... ngôi nhà mồ. Nó đã đi loanh quanh trên đầu những nấm mộ, không biết để tìm kiếm cái gì, và giờ đây nó tiến vào cái chỗ bề thế nhất trong bãi tha ma. Hậu co rúm người rúc đầu trốn vào hai cánh tay như một đứa trẻ con nghe kể chuyện ma đến lúc ghê rợn nhất, con ma hiện ra thè chiếc lưỡi dài đỏ hỏn rồi vươn cánh tay khẳng khiu dài thượt với những cái móng nhọn hoắt bấu vào cổ nạn nhân... Hậu nhắm nghiền mắt úp mặt xuống mặt gạch, anh không còn can đảm nào nhìn vào cái bóng trắng ấy. Tính từ từ ngã xuống sàn gạch, mắt vẫn không rời khỏi tà áo trắng rộng thùng thình ẻo lả trong gió. Dưới ánh trăng, đôi mắt to đen, sâu hun hút như những con đường hầm chằm chằm nhìn về phía căn nhà mồ. Không phải. Tính rên lên trong lòng. Nó đang nhìn... chàng. Hai tia sáng xanh biếc như mắt những con mèo hoang vẫn thường kêu eo éo hằng đêm trên những chòm mả chiếu thẳng vào Tính, để cho chàng có thể trông thấy một khuôn mặt trắng bệch và phẳng lì như một tờ giấy. Cái bóng đã đặt chân lên cái bệ tam cấp dẫn vào ngôi cổ mộ, mái tóc đen rũ rượi của nó phủ lấp khung cửa, làm cho bên trong nhà mồ tối sầm. Một mùi hương dị kỳ nồng nặc âm khí, không hẳn là mùi thối của xác hết, mà là một thứ mùi hăng hăng mục rữa của cây cỏ quyện với thứ hương nặng mùi, mà trời ơi, Tính đã nhận ra, đó chính là mùi của những nén nhang người ta đốt cắm trong những cái bình đặt trước những cái quan tài quàn thây những người chết. Trong khoảnh khắc của màu đen đặc đó, Tính kinh hãi nhắm nghiền mắt và ép chặt càm xuống tận ngực để khỏi phải đối diện với đôi mắt của con ma. Phải, bây giờ thì Tính đã có thể biết chắc, cái bóng trắng tóc dài tới gối ấy chính là một con ma, một vong hồn trồi lên từ một trong những nấm mộ ở đây. Hay cũng có thể nó chính là vong hồn của cái... bộ xương đang nằm trong ngôi cổ mộ này. Trời mùa hè mà từng cơn gió lạnh cứ thỉnh thoảng nhè nhẹ lùa vào bên trong ngôi nhà mồ, làm da dẻ của Tính nổi đầy những cái gai tròn lăn tăn. Một sự im lặng rùng rợn bao trùm cái khoảng không gian nhỏ bé dưới mái cổ mộ. Con ma đó nó đã đi đến đâu rồi. Được một lúc, Tính mím môi hé một chút xíu mí mắt nhìn lên. Suýt chút nữa Tính đã buột miệng kêu lên một tiếng hãi hùng, và ngất xỉu, vì chàng trông thấy cái tà áo trắng của con ma lấp ló mười ngón chân đen như mực tàu đang đứng sát ngay bên mũi chàng. Tính kêu lên trong lòng. Thằng Hậu đâu rồi. Hay là nó đã bể tim chết rồi cũng không chừng. Tính nằm cứng đờ như một khúc gỗ, đôi mí mắt chằng đã đông cứng trong vị thế cái khe hở một milimét, nên chàng không muốn nhìn hai bàn chân của con ma cũng không được. Nó đứng đó, mà Tính biết chắc rằng từ trên cao con ma đang trừng trừng nhìn xuống hai cái thân thể thảm thương của thầy trò chàng. Thời gian không biết đã trôi được một quãng dài nào rồi, mà Tính thấy ngưng đọng như hàng thế kỷ. Đột nhiên hai bàn chân đen từ từ xoay về một hướng khác, cái vạt áo trắng lung linh chập chờn như khói. Con ma từ từ, nhẹ nhàng lướt về phía cái nấm mộ. Tính khẽ xoay đầu nhìn theo. Cái bóng trắng đứng lặng lẽ một lúc lâu trước tấm bia đá khắc những hàng chữ Tàu. Bỗng nó há cái miệng thật to, mà Tính có thể trông thấy cái vòm họng đỏ khé những máu. Con ma cất lên một tiếng tru dài như tiếng quỷ gọi hồn từ dưới đáy địa ngục, rồi nó sụp xuống ôm lấy tấm bia mộ rú lên những tiếng khóc lanh lảnh buốt óc, như tiếng những sợi dây đàn bị vuốt mạnh dưới những cái móng dài. Nhanh như một tia chớp, con ma bất ngờ quay lại nhìn Tính cười khằng khặc. Tính không kịp quay mặt tránh, chàng hãi hùng trông thấy một khuôn mặt tím bầm, lở lói, thịt da nhầy nhụa, máu tươi nhỏ ròng ròng xuống tấm bia đá. Con ma nhoài người bò tới, hai cánh tay nồng nặc mùi thối rữa ôm choàng lấy Tính. Tính thét lên một tiếng kinh hoàng, nhưng vòng tay con ma đã ôm chặt ngực chàng và cái mặt lở loét nhung nhúc dòi bọ của nó áp sát vào mặt chàng cười sằng sặc trong một chuỗi âm thanh ồm ồm như muốn nắm bắt lấy linh hồn chàng:

- Tính... Tính

Khi đã đạt đến cái mức tận cùng của sự sợ hãi, thì người ta thấy mình không còn sợ hãi nữa, vì không còn gì để mất, người ta rơi vào trạng thái đối cực với cái sợ. Đó là lòng can đảm, hay sự bất chấp. Tính tống vào mặt con ma một quả đấm làm nó kêu ối một tiếng đau đớn, rồi chàng vùng dậy bỏ chạy.

Nhưng con ma nó đã ôm chặt lấy cái chân còn nguyên của Tính kêu ầm lên:

- Ông thầy, ông thầy... tỉnh dậy... tỉnh dậy...

Tính mở choàng mắt ra, chàng bần thần trông thấy ánh mắt lo lắng thiết tha của Hậu đang đăm đăm nhìn chàng. Mồ hôi rịn ướt đẫm trán Tính.

Hậu đưa tay xoa má càu nhàu:

- Ông thấy cái con gì mà ông dộng tui một cú quá mạng vậy ông?

Tính ngơ ngác nhìn quanh. Hóa ra chàng vừa ở trong một cơn ác mộng hãi hùng... Sáng hôm sau, trước khi “đi làm”, có nghĩa là xách đàn đi ca hát rong xin từng xu lẻ của người đời, Tính móc túi lấy ra một tờ giấy cũ và một mảnh viết chì ngắn, chàng ngồi tẩn mẩn vẽ lại tất cả những hàng Hán tự trên tấm bia mộ. Tính không biết chữ Tàu, nhưng chàng nghĩ, cứ đồ y hệt từng nét một thì chúng cũng chẳng sai lệch là mấy.

Hậu chống tay ngồi trên chiếc ghế có bốn cái bánh xe lạ lùng nhìn Tính:

- Ông làm gì kỳ vậy?

Tính mỉm cười gục gặc đầu không trả lời, chàng xách cây đàn lên, vói tay lấy cây nạng gỗ :

- Thôi mình đi, hôm nay bọn mình đi tới chợ Thủ Đức.

- Đi chi xa vậy ông?

- Mày còn đủ tiền đi xe lam không?

Hậu gãi đầu:

- Còn thì còn, nhưng mà hôm nay không ai cho tiền thì uống nước trừ cơm nghe ông thầy!

Tưởng là phải xài đến số tiền “dự trữ” cho những ngày ế ẩm và có nguy cơ nhịn đói trong ngày hôm đó, nhưng thật may mắn cho hai thầy trò Tính, trong quân đội ngày xưa những người lính vẫn hay gọi cấp chỉ huy của họ là đại bàng hay ông thầy, bác tài xế xe lam tốt bụng đã không lấy tiền xe. Người tài xế xốc nách Hậu bồng anh xuống một cách dễ dàng như một nhúm bông gòn, vì Hậu có còn gì mà nặng nữa. Bác lắc đầu cảm động xua tay nhìn những đồng tiền giấy đã gần rách nát mà Hậu kéo từ trong thắt lưng ra:

- Thôi, cho mấy chú em đi nhờ. Hậu ngước mắt lên nhìn ông già, đôi mắt đỏ hoe.

Tính dặn dò Hậu:

- Mày vào góc chợ ngồi đó chờ tao, cứ ca hát kiếm được đồng nào hay đồng đó.

- Ông đi đâu vậy?

- Để về “nhà” tao kể cho mầy nghe... Thỉnh thoảng hai anh em đi hát ca xin tiền ở chợ Thủ Đức, Tính nhớ là có một ông thầy bói già ngồi trên một chiếc chiếu nhỏ, với những cái mu rùa đen ngòm, những lá bùa bằng vải vàng và những tấm liễn giấy đỏ vẽ chữ Tàu bằng mực đen. Cũng có thể không phải, chúng giống loại chữ Ả Rập hay chữ Miên thì đúng hơn. Cách phục sức của ông thầy bói toát ra một vẻ cũ kỹ xa xưa như từ nhiều thế kỷ trước. Ông mặc một chiếc áo the đen mỏng cho thấy chiếc áo lụa trắng nhưng đã ngả màu vàng ố bên trong. Lúc nào Tính cũng thấy ông lão đội trên đầu chiếc nón xếp đen đã mòn cũ. Ông trông thật giống một ông đồ già còng lưng ngồi hí hoáy viết liễn Tết, mà chàng còn nhớ bài thơ miêu tả của thi sĩ Vũ Đình Liên, hồi chàng còn ngồi ghế nhà trường. Để tăng thêm liều lượng thuyết phục khách hàng, ông thầy bày trước mặt năm ba cái khung kiếng lộng trong đó những giấy chứng nhận và khen ngợi của những tai to mặt lớn nào đó, mà có trời mới biết chúng xuất xứ từ đâu.

Người ta đọc thấy hàng chữ lớn: TỬ VI GIA HUỲNH BÁ, BÓI TOÁN NHƯ THẦN, BÓI ĐÂU TRÚNG ĐÓ. ĐÃ TỪNG BÓI CHO NHIỀU YẾU NHÂN CHÍNH PHỦ VÀ ĐƯỢC TƯỞNG THƯỞNG HUY CHƯƠNG QUỐC GIA. Bọn chàng đến chợ hơi sớm, ông thầy bói đang ngồi một chân xếp bằng một chân chỏi, cùi chỏ cánh tay phải của ông chống lên cái đầu gối, trong khi bàn tay ông tựa vào cằm, có vẻ như trong tư thế một con người đang ngủ gà ngủ gật. Tính khập khễnh chống nạng nhẹ nhàng ngồi xuống. Nghe tiếng động, ông già mở choàng mắt nhìn.

Tính mở nụ cười tươi khẽ cúi đầu:

- Chào bác.

- À, là chú em... hổm rày mạnh giỏi không, sao không thấy ra đây?

Ông lão đã nhận ra anh chàng phế nhân nhạc sĩ với cây đàn tơi tả hay ngồi hát nghêu ngao những bài nhạc cũ giữa chợ với một anh bạn nào đó, với một chiếc nón vải kaki cũ trước mặt để đựng tiền xót thương của thiên hạ.

- Dạ cảm ơn bác, cũng khỏe, còn bác dạo này làm ăn phát tài chưa?

Ông già ngáp dài ngao ngán:

- Phát cái khỉ khô, ế muốn chết. Đôi mắt của ông lão nhìn chằm chằm vào con người Tính, như để tiên đoán những ý nghĩ thầm kín của chàng :

- Sao, chú em muốn coi một quẻ hả?

- Dạ, cũng gần gần như vậy... Ông già tươi tỉnh ngay, ông kéo cái chân chống xuống, hai tay lục lọi mấy cuốn sách cũ mèm ra vẻ sẵn sàng làm việc. Ông giở cái mu rùa lật ngửa lên để chuẩn bị gieo quẻ. Tính ngồi nhích lại gần hỏi:

- Bác với thầy Huỳnh Liên ở Sài Gòn có quen biết nhau không bác? Ông thầy bói vểnh cặp râu cá chốt lên, ưỡn ngực khoe:

- Nó là học trò của tui đó!

Tính không khỏi không cười thầm. Ông thầy coi bộ rách nát quá, trong khi ông học trò ở Sài Gòn nghe nói giàu có lắm, áo mão xênh xang, xe hơi, nhà lầu, khách muốn coi bói phải lấy hẹn trước. Chàng nhớ mấy số báo xuân xuất bản ở Sài Gòn năm nào cũng có bài viết của “thầy” Huỳnh Liên về những chuyện đường rừng, với những con ma lai, ma xó trên miền thượng du Bắc Việt, những cuộc tình lãng mạn giữa người và ma. Tính hỏi tiếp:

- Đặt một quẻ bao nhiêu bác? Ông thầy bói rà cặp mắt từ trên mái tóc dài thượt của Tính xuống đến ống chân cụt của chàng, rồi nhìn sang cái nạng gỗ chằm vá, như để lượng định túi tiền của thân chủ:

- Với chú em thì tui lấy rẻ, chú em muốn đặt bao nhiêu thì tùy, không chê nhiều ít, coi như xính xái mở hàng. Tính rút ra hai tờ giấy hai đồng cung kính đặt lên giữa chiếc dĩa sứ nhỏ nước men lên màu xanh biếc. Ông lão khẽ tằng hắng. Ái chà chà, cái anh chàng ăn xin này đặt tiền quẻ coi bộ cũng xôm tụ quá chứ. Hồi đó lương công nhân ba chục đồng một tháng, bốn đồng đâu phải ít. Ông lão phấn chấn lấy xâu đồng xu Quang Trung Thông Bảo vừa hỏi liên thanh theo thói quen nghề nghiệp:

- Rồi, chú em muốn coi gì, cầu tài cầu lộc, cầu tình duyên, cầu gia đạo, làm ăn buôn bán, thăng quan tấn chức, cất nhà, hướng cửa, phong thủy, xây mồ...

Tính cười hì hì ngắt lời ông già:

- Bác ơi, con trên răng dưới quần xà lỏn, coi mấy thứ đó làm gì! Chàng móc trong túi tờ giấy chữ Tàu trao cho ông lão:

- Bác làm ơn đọc và giảng nghĩa cho con biết coi trong này nói cái gì. Ông già đeo cặp kính lão lên trề môi chăm chú đọc. Đột nhiên ông vỗ đùi một cái tỏ vẻ rất thích thú:

- À, à, hay đây... Tính nôn nao áp vào gần hỏi dồn:

- Sao, bác đọc cho con nghe đi. Giọng ông già khề khà nhừa nhựa: - Ai mà viết chữ Tàu như gà bới vậy kìa, đọc khó quá. Để coi, à... Ái nữ Hứa... Phươ... Phương chi mộ, sinh xuất nhị thập nhất nhựt, đệ tứ nguyệt, Bảo Đại niên 1932, tức là ngày 21 tháng 4 năm 1932. Mệnh chung đệ lục nhựt, đệ bát nguyệt, Bảo Đại niên 1953. Hứa gia Bổn Hòa thiết lập. Sài Côn, Việt Nam Quốc... Ông thầy bói vỗ đùi đánh bốp một cái ra vẻ thích thú lắm:

- Hay lắm, Chú Hỏa với con ma nhà họ Hứa đây mà!

Tính giật mình kinh hãi:

- Bác nói sao, cái gì mà có chuyện ma quỷ trong này? Ông lão kéo cặp kiếng trệ xuống chỏm mũi trợn mắt nhìn Tính:

- Chú em mày không biết danh tiếng Chú Hỏa ở Chợ Lớn hả? Tính ngẩn ngơ lắc đầu. Tình thật thì chàng không biết chút xíu nào về Chú Hỏa hay con ma họ Hứa gì gì đó. Từ nhỏ đến lớn, sau khi cha mẹ chàng qua đời, thì chàng sống trong khuôn viên Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, rồi đi lính nay đây mai đó. Lớp hậu sinh như Tính làm sao có thể biết được câu chuyện Chú Hỏa của mấy mươi năm trước. Chẳng lẽ... con ma mặc áo trắng ngồi than khóc trong ngôi nhà mồ là cô gái với cái tên Hứa Phương sao. Ông thầy bói lấy cái bình thủy rót ra một ly nhỏ cà phê đen gục gặc đầu coi bộ hân hoan lắm:

- Chú em uống cà phê hông? Tính làm bộ gãi đầu đẩy đưa:

- Da, nếu không phiền bác,ï con xin một chút xíu thôi. Ông già hào phóng trao cho Tính một ly cà phê:

- Phiền hà gì. Bây giờ còn sớm, để lão kể chuyện con ma nhà họ Hứa cho chú em nghe. Mà... chú em mầy có thích nghe không hả? Trời ơi, cái lý do mà chàng rút ruột cúng cho ông thầy bốn quan tiền chính là nhắm vào cái chuyện ly kỳ này, làm sao Tính có thể không nghe chứ. Tính nhấp một ngụm thứ chất lỏng đen đặc, mẹ ơi, đắng quá, chẳng có chút mùi thơm của cà phê, toàn là mùi bắp rang thôi. Nhưng chẳng sao, có còn hơn không... Sài Côn, danh xưng của vùng Chợ Lớn những năm đầu thế kỷ thứ 20. Lúc ấy, thành phố Chợ Lớn đã phát triển thành một khu vực buôn bán khá sầm uất và sẽ còn phát triển, để nửa thế kỷ sau nó đã trở thành một trung tâm tài chánh, thương mại lớn nhất Đông Nam Á sau Hương Cảng. Người Hoa từ lục địa mẫu quốc vì nhiều lý do, hoàn cảnh, đã gồng gánh trôi dạt xuống phương Nam lập nghiệp. Khi một người làm ăn khấm khá lên thì họ nhắn tin cho thân quyến tiếp tục di cư xuống. Rất nhiều người đàn ông Tàu sang nước Nam lấy vợ Việt, nhưng khi sinh được con trai thì họ lại gởi ngược chúng trở về Trung Hoa cho bà vợ... lớn nuôi, mặc nhiên chúng trở thành dân ba Tàu chính gốc sau này để nói dõi tông đường. Tại sao gọi là ba Tàu nhỉ. Theo những cụ cao niên kể lại, thì ngày xưa, khi chạy trốn nhà Thanh, nhiều tướng lãnh triều mạt Minh đi tàu sang xin chúa Trịnh và chúa Nguyễn cho tá túc. Người Việt Nam trông thấy ba chiếc tàu cặp bến, rồi xuất hiện những con người với chiếc đầu trọc và cái bím tóc dài lạ lùng, đã gọi họ là người của ba chiếc tàu. Dần dà, theo thời gian, cái gì cũng được nói ngắn gọn cho tiện, người Minh được gọi là người Ba Tàu, hay người Minh hương, có nghĩa là người quê quán ở nước Minh. Người Minh hương khi lập nghiệp ở khu vực cực Nam Việt Nam như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, lúc kết duyên với những phụ nữ người Miên, nếu sinh con trai thì không có gì đặc biệt, nhưng sinh con gái thì chúa ơi, chẳng hiểu sao cô nào cô ấy đẹp não nùng. Những chàng trai Việt chết mê chết mệt những thiếu nữ Minh hương là thế. Đã gọi là ba Tàu, thế nhưng tại sao còn gọi con cháu ông trời là Chệt nhỉ. Các cụ kể rằng, hồi mới qua Việt Nam quốc, người Hoa còn nghèo, họ sống trong những căn nhà thấp lè tè gọi là nhà trệt, để dần dần biến thành người Chệt hồi nào chẳng rõ. Chú Chệt Hứa Bổn Hòa theo đoàn dân Tàu sang nước Nam sinh sống, chú đi mãi, đi mãi đến tận vùng Chợ Lớn ngày nay, trong khi nhiều người gốc Triều Châu tiếp tục đi xuống đến miệt Bạc Liêu, Rạch Giá buôn bán và làm rẫy. Ở đâu cũng thấy người Triều Châu đầy dẫy, nên trong dân gian có câu ca dao: Bạc Liêu là xứ cơ cầu, Dưới sông cá chốt, Triều Châu trên bờ Sang đất nước người ta mà chú Chệt Hòa chỉ trần thân từ đầu tới chân có một bộ quần áo dính da. Chú Hòa suy nghĩ mãi mới tìm thấy một cái nghề rất thích hợp mà chẳng tốn bao nhiêu vốn. Chú sắm một cặp cần xé nhỏ và một cái đòn gánh, bắt đầu cuộc đời mới bằng cái nghề mua bán ve chai, sắt vụn cùng đủ thứ hằm bà lằng, bất cứ cái gì người ta muốn vứt đi. Thuở đó, nghề phu kéo xe và bán ve chai là những cái nghề mạt hạng nhất trong xã hội, không ai muốn làm. Nghề phu xe thì cứ y như là muôn năm nghèo rách mồng tơi chẳng ngóc đầu lên nổi, nhưng nghề bán ve chai thì chưa chắc. Với con mắt tinh tường biết nhìn những món vật quí mà người ta không biết, Chệt Hứa đã trúng nhiều mối lớn một cách bất ngờ. Có lúc một gia đình nghèo gọi chú vào bán cho một cái bình bông thời Càn Long với giá năm mười đồng, để sau đó chú bán lại cho người giàu bạc ngàn, chứ đâu có nhiều nhặn gì cho cam. Một cái ống sắt cũ trị giá chỉ có mấy xu, nhưng khi cần thay một đoạn ống nước, thì phải chạy tới nhà chú Hòa mua lại nó với giá gấp mười lần hơn. Cái lều nhỏ của chú Chệt Hòa ngổn ngang đủ thứ chai lọ, sắt vụn, nylon, rác rến, bù lon, đinh ốc tràn ngập chỉ chừa có một lối đi nhỏ chừng nửa thước. Với cái đà làm ăn một vốn một trăm lời đó, chẳng mầy lúc mà Chệt Hứa đã trở thành một ông nhà giàu sụ, có thể gọi là nhất vùng Chợ Lớn. Cái lều nhỏ ngày xưa biến mất để nhường chỗ cho những khu nhà lầu cao sang trọng. Có nhiều vốn, Chệt Hòa bành trướng ra nhiều nghề khác nữa. Chú cất nhiều dãy phố cho dân ba Tàu mướn buôn bán. Mỗi tháng chú Chệt Hòa cứ tà ngồi rung đùi thu tiền mướn nhà cũng đủ ăn mệt nghỉ. Cho nên cái bụng của chú ngày càng to tê lên theo cùng với công cuộc làm ăn. Thôi thì tay gấu, nem công, chả trĩ, nhung hươu, cao hổ cốt cái gì chú cũng hưởng đủ và quá dư thừa. Tiền đẻ ra tiền, Chệt Hòa còn mở thêm nhiều cái vựa chứa hàng mà giới thương nhân Tàu gọi là chành. Hàng hóa của thương nhân gởi cho chành coi như được bảo đảm trông coi và an toàn tuyệt đối, trong khi họ chỉ phải trả một số tiền ký gởi và “bảo tiêu” với giá rất phải chẵn. Mỗi nhân viên trông coi một chành gọi là tài phú. Vì tên Chệt Hứa là Hòa, đọc âm Trung Hoa là Hỏa, nên người ta thường gọi Chệt Hòa là Chú Hỏa. Từ đó, cái tên Chú Hỏa vang lừng khắp Chợ Lớn – Sài Gòn, không ai là không biết, mãi tận bên Hương Cảng, Tân Gia Ba người ta cũng biết, vì công cuộc làm ăn của chú vươn rộng ra khắp vùng Đông Nam Á. Tuy đã là một ông nhà giàu sụ nhất nhì Chợ Lớn, nhưng người ta vẫn cứ gọi Chệt Hòa là Chú Hỏa.



Phạm Phong Dinh

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
https://nguoisadec.forumvi.com
 
Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 2)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Ngôi nhà mồ họ Hứa (phấn 1)
» Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 3)
» Anh hùng và Kẻ bội phản trong Quân lực VNCH
» Số phận đao phủ khét tiếng thời Nguyễn
» Số phận tay sai Hồ Ngọc Thắng và Nguyễn Hải Long trong vụ bắt cóc ở Đức ra sao?

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Người Sa Đéc :: Rạp Hát - Thư Viện: Ca Nhạc - Phim Ảnh - Truyện :: Sách Truyện & MP3-
Chuyển đến